(CN XXXI thường niên - năm B - Mc 12,28-34)
“Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (Mc 12,29b).
Chỉ có Một Thiên Chúa duy nhất. Đây là đạo lý trọng yếu. Bởi đó, chỉ có Ngài là Đấng phải được tôn thờ. Các thần minh khác chẳng là gì. Thánh Kinh cũng cho thấy các mối quan hệ nội tại trong thần tính mà giáo lý dùng từ ngữ Ba Ngôi để diễn tả.
Dân Chúa được dạy cho biết: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất” (Đnl 6,4). Chúa Giêsu nhắc lại (Mc 12,29) và thánh Phaolô cũng vậy (Ep 4,6; 1Tm 2,5; x. Đnl 4,35; 32,43; Nkm 9,6; Tv 86,10; Is 43,10; 44,6; 45,18; Mc 12, 29.32; Rm 3,30; 1Cr 8,6; Gc 2,19).
Thiên Chúa là Chúa duy nhất, mà cũng “chẳng có thần nào giống như Ngài” (1V 8,23), “không ai sánh được như Ngài” (2Sm 7,22; 1Sb 17,20; Tv 89,7; Is 40,18-25).
Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng ta phải tôn thờ, “không được có thần nào khác” (Xh 20,3.5; Đnl 5,7-9; Gr 25,6). Chính Thiên Chúa căn dặn “Các ngươi đừng bọc tượng thần bằng bạc mà đặt bên cạnh Ta và cũng đừng tạc tượng thần bằng vàng để tôn thờ” (Xh 20,23); “không được phủ phục trước một thần nào khác” (34,14 x. Đnl 6,14; 13,6-8; 2V 17,38; Tv 81,9-10; Gr 1,16; 19,4; 35,15).
Chỉ một mình Thiên Chúa phải được phụng sự “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” (Mc 12,30; Mt 22,37; Đnl 6,5; 13,4; 1Sm 7,3; Mt 4,10; Lc 4,8; 1Tx 1,9-10).
Các thần tượng khác chỉ là hư không, “chỉ là tác phẩm bằng gỗ đá do tay người phàm làm ra” (Is 37,19); “ngẫu tượng chẳng là gì trên thế gian” (1Cr 8,4). Vì vậy “đồ cúng là cúng cho ma quỷ, chứ không phải cho Thiên Chúa” (1Cr 10,19-20; Đnl 32,17; Tv 106,33; Is 40,18-20; 44,9-11; Cv 14,15; Gl 4,8).
Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, nhưng trong một thần tính lại có liên kết đa phức. Trong Cựu Ước, sách Sáng Thế ghi lại ý định của Thiên Chúa “chúng ta hãy làm ra con người giống hình ảnh chúng ta” (1,26). Cũng trong buổi đầu tạo dựng ấy “Thần Khí Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2). Thần Khí được coi như nhân viên của Thiên Chúa. Các thiên thần sứ giả của Thiên Chúa, được đồng hóa, dầu khác biệt với Thiên Chúa (Tl 13,20; Nkm 9,20; Tv 139,7; Is 6,8; 63,10-14). Trong Tân Ước, sự đa phúc đã được định rõ thành ngôi vị (Mt 28,19; 2Cr 13,13; Mt 3,16-17; Ga 14,26; 15,26; Cv 2,32-33; Ep 2,18; 2Pr 1,2) là Cha, Con và Thánh Thần.
Linh mục Phaolô PHẠM QUỐC TÚY - GP PHÚ CƯỜNG
Bình luận