Theo truyền thống Giáo hội Công giáo, năm 2025 sẽ là Năm Thánh thường lệ thứ 27 trong lịch sử Giáo hội. Các chủ đề của năm này bao gồm: liên đới, hy vọng, công bằng, dấn thân phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân với niềm vui và bình an.
Để được hưởng những ơn lành Thiên Chúa ban cho trong Năm Thánh, Kitô hữu phải nhận thức trước hết Năm Thánh là nhằm thánh hóa cuộc sống, củng cố đức tin, tạo cơ hội thuận tiện để xây dựng tình liên đới và hiệp thông huynh đệ trong lòng Giáo hội và thế giới, khuyến khích mọi người tuyên xưng đức tin một cách chân thành và sống động hơn nơi Ðức Kitô, Ðấng Cứu Ðộ duy nhất của nhân loại.
Hướng đến Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn Giáo hội toàn cầu dành năm 2024 cho việc cầu nguyện. Ngài khuyến khích các tín hữu: “Tôi xin anh chị em đẩy mạnh việc cầu nguyện để chuẩn bị sống tốt biến cố ân sủng này, và cảm nghiệm được sức mạnh của niềm hy vọng Chúa ban. […] Một năm dành riêng để khám phá lại giá trị to lớn và nhu cầu tuyệt đối của việc cầu nguyện trong đời sống cá nhân, đời sống Giáo hội, và trong thế giới”.
Thiết tưởng những ngày Tuần Thánh này là dịp để mỗi người bắt đầu cho Năm Cầu nguyện. Dịp chầu Thánh Thể sau lễ Tiệc Ly thứ Năm Tuần Thánh tại các giáo xứ là dịp để mỗi tín hữu thực hành việc cầu nguyện một cách cụ thể. Cầu nguyện trước Thánh Thể. Mỗi người đặt mình trước mặt Chúa, bày tỏ tâm tình tôn thờ, kính mến mong được kết hiệp mật thiết với Chúa. Lời Đức Giêsu nói với các tông đồ sau bữa Tiệc Ly cũng là nhắc nhở mỗi người tín hữu hôm nay: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối”.
Sách Giáo lý Công giáo định nghĩa: “Cầu nguyện là trò chuyện thân mật với Thiên Chúa”, thì Thánh Kinh cho chúng ta thấy từ thuở ban đầu, con người đã biết cầu nguyện. Sách Sáng Thế ký kể lại rằng: Ngày ấy, vào những buổi chiều tà Thiên Chúa thường dạo cùng Adam để trò chuyện. Dù thuộc tín ngưỡng nào, tự bản thân, con người vẫn ý thức thân phận mỏng dòn, giới hạn và thấy rằng mình cần cầu nguyện. Vì vậy mà đã có rất nhiều sáng kiến để bày tỏ lòng tôn sùng của mình với ‘Đấng ở trên cao’. Và đã có rất nhiều hình thức cầu nguyện trở thành nét đẹp của con người.
Để thực hành việc cầu nguyện, có rất nhiều đấng bậc đã chỉ ra những cách cầu nguyện, mà một trong những cách cầu nguyện hữu hiệu nhất là đọc và lắng nghe Lời Chúa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong một bài giảng đã đặt nhiều câu hỏi cho cộng đoàn tham dự thánh lễ: “Trong nhà tôi ở, Lời Chúa chiếm vị trí nào? Giữa bao nhiêu sách vở, tạp chí, truyền hình và điện thoại, Kinh Thánh ở đâu? Trong phòng của tôi, có quyển sách Tin Mừng nào gần đó không? Tôi có đọc Lời Chúa hằng ngày để trung thành với con đường mình đi không? Tôi có mang theo một quyển Tin Mừng bỏ túi để có thể đọc không? Cha vẫn thường nói về việc phải có sách Tin Mừng bên mình, để trong túi hoặc trên điện thoại. Nếu Đức Kitô thân thiết với chúng ta hơn bất cứ điều gì khác, làm sao chúng ta có thể để Ngài ở nhà mà không đem theo mình? Và câu hỏi cuối cùng: Tôi đã đọc ít nhất là một trong bốn sách Tin Mừng chưa? Tin Mừng là sách ban sự sống. Tin Mừng là quyển sách ngắn và đơn giản, thế nhưng nhiều tín hữu chưa bao giờ đọc một trong bốn sách Tin Mừng từ đầu đến cuối”.
Ước gì Năm Cầu Nguyện này cũng là dịp thúc đẩy việc cầu nguyện với Lời Chúa, đọc Kinh Thánh hằng ngày trong gia đình, quan tâm việc học Lời Chúa trong chương trình Giáo lý cho mọi cấp. “Thầy bảo thật anh em, trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi đâu” (Lc 21,33).
ĐỖ LỘC HƯNG
Bình luận