Miền Bắc vừa trải qua một cơn bão lũ kinh hoàng khiến nhiều người tử vong, nhiều thi thể chưa tìm được do bị bùn đất lấp vùi, nước cuốn. Cơn bão đã đi qua nhưng hậu quả để lại vô cùng nặng nề. Đồng bào các nơi bị bão lũ hoành hành đang ra sức khắc phục, có lẽ phải nhiều tháng, thậm chí cả năm trời để xây dựng lại nhà cửa, thôn xóm, bản làng.
Hội đồng Giám mục Việt Nam, các Đức Giám mục các giáo phận đã ra thư kêu gọi toàn thể cộng đồng tín hữu đặc biệt cầu nguyện xin Thiên Chúa ban ơn trợ lực, đồng thời mời gọi giáo dân ra sức cứu trợ khẩn thiết cho đồng bào các tỉnh phía Bắc. Giáo hội Công giáo đang chuẩn bị bước vào tháng 10, tháng Mân Côi. Việc cầu nguyện hiệu quả và đơn giản, dễ dàng hơn cả, là lần chuỗi Mân Côi.
Tràng chuỗi Mân Côi hẳn là không xa lạ gì với người Công giáo Việt Nam. Ngay từ thuở lọt lòng, mỗi người tín hữu đã được nghe những lời kinh bên nôi từ người mẹ, bà nội, bà ngoại. Điều này không phải là ngày xửa ngày xưa, nhưng còn là hiện tại. Không một người mẹ nào không đọc những lời kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh khi dâng con cho Thiên Chúa, phó thác con mình cho Đức Mẹ, ca ngợi Ba Ngôi Thiên Chúa.
Năm 1569, Đức Thánh Cha Piô V công bố tự sắc Consueverent Romani Pontifices kêu gọi dân Chúa siêng năng lần chuỗi Mân Côi với 15 mầu nhiệm Vui, Thương và Mừng mà chúng ta biết như hôm nay. Về sau, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thêm vào mầu nhiệm Năm sự Sáng.
Việc lần chuỗi Mân Côi không buộc phải đọc 50 kinh Mân Côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tùy vào thời gian mình có. Có thể vừa làm việc vừa đọc, và không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Có thể thì thầm bất cứ lúc nào: khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh…, thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, mình cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu mình cũng có thể thực hiện.
Bên cạnh việc gia tăng lời cầu nguyện trong suốt tháng Mân Côi với ý chỉ cho những đồng bào đang gặp hoạn nạn miền Bắc, mỗi người, mỗi gia đình cùng bàn bạc giữa ông bà, cha mẹ, con cháu trong gia đình trong những ngày đau thương này chia sẻ với đồng bào vùng bão lũ bằng cách tiết kiệm phần ăn uống, chi tiêu. Hạn chế những khoản mua sắm không cần thiết để đóng góp vào quỹ cứu trợ theo lời kêu gọi của Tòa Tổng Giám mục, hay của các cơ quan, đoàn thể xã hội… Không chỉ đóng góp một lần bằng một số tiền lớn, nhưng có thể đóng góp thành nhiều đợt trong suốt tháng 10. Thực phẩm như nhu yếu phẩm, quần áo, chăn mền cũng cần thiết nhưng không dồn vào một lúc. Linh mục Giám đốc Caritas giáo phận Hưng Hóa đã chia sẻ điều mà người hoạn nạn cần đó là phương thế giúp họ vực dậy cuộc sống.
Những sẻ chia cần kíp là cần thiết, và cũng cần những nâng đỡ để đồng bào lâm nạn thiên tai thêm cơ hội vươn lên. Những lời kinh Mân Côi được thêm sống động bởi những hy sinh, những san sẻ giúp người kém may.
ĐỖ LỘC HƯNG
Bình luận