Ðạo Công giáo có những vấn đề đặc thù mà có thể người ngoài Công giáo chưa thể hiểu ngay. Không chỉ giữ đạo thật tốt, mỗi giáo dân còn phải bồi đắp kiến thức để hiểu sâu sắc về đạo, cũng như có thể dễ dàng trả lời những câu hỏi “khó” từ người ngoại đạo. Vậy, người Công giáo nên trả lời thế nào? Dưới đây là một số trường hợp cụ thể.
“HÓC BÚA” CHUYỆN HÔN PHỐI KHÁC ĐẠO
Chị Nguyễn Thanh Huyền (Giáo xứ Tân Mai, GP Xuân Lộc): Vấn đề mà bạn bè, người quen khác đạo hay hỏi tôi nhất là chuyện xoay quanh kết hôn. Tưởng là chuyện xưa rồi và ai cũng biết, nhưng thực tế không phải như thế. Người ngoài Công giáo thường hỏi về chuyện người ngoài đạo lấy người trong đạo có được không, rồi nếu muốn kết hôn với nhau cần thủ tục nghi lễ gì và về phép chuẩn để ai giữ đạo nấy. Cuối cùng sẽ là con cái sinh ra theo đạo của cha hay mẹ thì được… Để trả lời, tôi thường rất cân nhắc, lựa lời, chọn cách diễn đạt cho người ta dễ hiểu. Cái nào mình chưa rành về luật định thì tra cứu lại rồi mới trả lời.
Gần đây, tôi cũng mới trả lời giúp một đôi còn lấn cấn chuyện chuẩn bị hôn nhân khác đạo. Sau đó họ xin được phép chuẩn hôn phối khác đạo, cả hai rất vui vì vấn đề vướng mắc được giải quyết, họ có thể được cử hành hôn lễ trong nhà thờ rất trang trọng. Và quan trọng là mối thiện cảm tôn trọng giữa hai họ cũng êm đẹp.
CHỌN CÁCH NÓI ĐƠN GIẢN, DỄ HIỂU
Chị Nguyễn Thị Liễu (giáo xứ An Lạc, TGP TPHCM): Tôi thường gặp nhiều câu hỏi mà các bạn bè, người ngoài Công giáo hỏi về các bí tích. Một số người ngoại đạo thường thắc mắc tại sao phải xưng tội? Xưng tội là gì? Vì sao cha xứ có quyền giải tội? Xưng tội xong có hết tội không? Tôi giải thích cho các bạn ấy rằng, đó là một cách giúp người Công giáo sám hối, biết nhìn lại trách nhiệm của mình để tu sửa cho tốt hơn. Theo luật Công giáo, linh mục được đại diện Chúa để tha tội, và khuyến khích người phạm lỗi sống tốt hơn; sau khi xưng tội thì phải đi làm hòa với người mà mình đã gây lỗi, phải trả lại cái mà mình đã ăn cắp. Kinh nghiệm tôi rút ra là không nên dùng những câu chữ quá “nhà đạo” để nói với bạn bè, mà nên nói sao cho dễ hiểu nhất.
NGÀY CHÚA NHẬT CHO CHÚA VÀ MỌI NGƯỜI
Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (Giáo xứ Tân Hương, TGP TPHCM): Ở chỗ tôi, có nhiều người chưa biết đạo, nhưng nhìn chung các anh chị ấy có cái nhìn thiện cảm về người Công giáo. Có người còn bảo, họ thích nét đẹp từ việc đi lễ Chúa nhật của người Công giáo. Có một số người thấy làm lạ khi ngày đó, ai đến nhà thờ cũng đẹp, lịch sự như đi dự một buổi tiệc quan trọng. Thỉnh thoảng tôi cũng hay nghe hỏi tại sao phải đi lễ ngày này? Có thấy đó như một sự ràng buộc không? Tôi trả lời bằng cách giới thiệu các hoạt động trong nhà thờ vào ngày Chúa nhật. Tôi cũng không quên nhấn mạnh tới yếu tố thực tế, đó là ngày Chúa nhật được dành cho Chúa và là dịp gặp gỡ, kết nối nhau. Bởi sau lễ, giáo xứ còn nhiều sinh hoạt khác: giáo lý, họp nhóm, hội đoàn tập dợt, cầu nguyện, bàn kế hoạch hoạt động như đi làm bác ái, đi thăm người nghèo…, và ngày Chúa nhật cũng là ngày dành để nghỉ ngơi, mọi người cùng hướng tới các sinh hoạt chung, tạm gác những việc không gấp gáp.
NGƯỜI CÔNG GIÁO GÌN GIỮ NÉT ĐẸP CỦA ĐẠO HIẾU
Chị Vũ Thị Hồng (Giáo xứ Tân Thái Sơn, TGP TPHCM): Một số người ngoài Công giáo chưa hiểu về đạo Công giáo, vẫn nghĩ rằng theo đạo sẽ không được thờ ông bà tổ tiên nữa. Với những kiến thức nền tảng về đạo và qua sự tìm hiểu, học hỏi từ các linh mục, tôi có thể giải thích với họ rằng, Giáo hội Công giáo sau Công đồng Vatican II đã mở ra con đường hội nhập văn hóa địa phương, từ đó giúp người tín hữu thích nghi những nền văn hóa cốt lõi của người Việt, trong đó có “thờ cúng tổ tiên”, cũng như hoàn chỉnh việc thờ kính tổ tiên theo tinh thần Kitô giáo. Giáo dân vẫn được Giáo hội khuyến khích làm bàn thờ gia tiên trong gia đình. Đây là cách giúp mỗi người không quên cội nguồn. Việc kính nhớ ông bà, tổ tiên vừa nằm trong đạo hiếu của người Việt, vừa là một trong Mười Điều răn Chúa dạy (điều răn thứ 4: Thảo kính cha mẹ). Thực tế, người Công giáo vẫn có truyền thống dành ngày mùng Hai Tết cổ truyền và cả tháng 11 để kính nhớ và cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ quá cố, thể hiện rõ qua việc đi thăm viếng các phần mộ nơi nghĩa trang hay nhà hài cốt trong giáo xứ. Bàn thờ gia tiên trong những gia đình Công giáo luôn được lau dọn sạch sẽ và đầy đủ hương đèn, nến hoa…
ĂN CHAY THEO CÁCH CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO
Chị Trần Thị Út Hiền (Giáo xứ Gò Vấp, TGP TPHCM): Tôi kết hôn với người Phật giáo, hai tôn giáo có cách ăn chay khác nhau nên thời gian đầu vợ chồng tôi khó tránh khỏi những bất hòa. Nấu ăn trong gia đình, tôi được hướng dẫn cách nấu món chay cho mẹ chồng và chồng mỗi tháng 4 ngày. Vì bệnh tuyến giáp, anh phải kiêng đậu hũ, nên ngày chay của hai mẹ con chủ yếu là rau củ. Đến lúc tôi ăn chay, chồng rất thắc mắc “sao ăn chay mà vẫn… sát sinh, vẫn ăn cá tôm, trứng gà…”. Lúc đầu tôi giải thích cho qua chuyện, theo điều mình hiểu rằng ở quê trước đây thịt mắc hơn tôm cá, nên phải kiêng thịt! Nhưng rồi qua tìm tòi sự hướng dẫn của Giáo hội, tôi đã hiểu và giúp chồng tôi hiểu hơn ý nghĩa của việc ăn chay là cần tiết giảm những nhu cầu phàm tục để làm việc bác ái, việc đạo đức. Bình thường, mỗi ngày đi chợ hết 200-300 ngàn đồng, trong ngày chay nên tiết giảm một nửa, ăn uống đơn giản để dành phần còn lại giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn cách này cách khác.
Nhóm Phóng viên thực hiện
Bình luận