LỄ ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ
Bài đọc 1: Đn 7,13-14; Bài đọc 2: Kh 1,5-8; Tin Mừng: Ga 18,33b-37.
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay mời gọi mọi người nhìn lại vụ án nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại: vụ án Giêsu. Vụ án ấy nổi tiếng không chỉ vì mỗi năm người Công giáo trong Tuần Thánh tưởng nhớ lại vụ án này, mà còn vì vụ án ấy đã trở thành đề tài của nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật khơi dậy những suy tư về cuộc sống của con người.
Hai nhân vật chính trong vụ án này là Philatô và Chúa Giêsu có dính dấp gì đến cuộc đời của Kitô hữu ngày nay không? Để trả lời câu hỏi ấy, trước hết phải đặt mình trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ là lúc đất nước quê hương của Chúa Giêsu nằm dưới sự thống trị của đế quốc Rôma.
Tin Mừng thuật lại cuộc Philatô xét xử Chúa Giêsu. Tổng trấn Philatô đã tìm mọi cách để tha Chúa Giêsu. Kinh nghiệm của một người cai trị dân đã giúp Philatô thấy rằng Chúa Giêsu thực sự là một người vô tội, không dính dấp gì đến chuyện chính trị, an ninh mà ông phải quan tâm, có chăng việc tố cáo chỉ là chuyện nội bộ tôn giáo. Cho nên, lúc đầu, Philatô thoái thác bằng cách đẩy vụ án cho một người khác là vua Hêrôđê. Nhưng Hêrôđê gởi lại cho Philatô, thế là bắt buộc ông phải xử. Philatô cho đánh đòn Chúa Giêsu thật nặng đến nỗi Chúa Giêsu không còn hình dạng người ta nữa. Philatô đem Đức Giêsu ra trước mặt cho mọi người xem, hy vọng rằng người ta nhìn thấy con người bị đánh đập tàn nhẫn và tang thương thế này thì sẽ chạnh lòng thương. Chẳng ngờ khi thấy Chúa Giêsu trong hình hài tang thương như vậy, dân vẫn cứ gào lên: “Đóng đinh nó vào thập giá”. Philatô lại tìm cách khác để tha Chúa Giêsu. Vào mỗi năm, vị tổng trấn có thói quen phóng thích cho dân một phạm nhân. Lúc bấy giờ trong tù có một phạm nhân khét tiếng là Baraba. So sánh giữa Chúa Giêsu và Baraba thì thấy rất rõ, một bên là tướng cướp, một bên là con người hết sức đạo đức, ông Philatô hy vọng rằng dân sẽ tha Giêsu. Thật bất ngờ khi Philatô vừa mới giới thiệu xong thì dân gào lên: “Tha Baraba. Đóng đinh Giêsu”. Cuối cùng Philatô phải chịu thua vì ván bài cuối cùng mà các Thượng tế Do Thái đặt ra là: “Nếu ông tha Giêsu thì ông không phải là người của hoàng đế Cesar, bởi vì ông Giêsu này tự xưng mình là vua, như vậy là chống lại hoàng đế Cesar. Nếu ông tha Giêsu thì ông không phải là người của hoàng đế”. Philatô thua! Bởi vì ông sợ ghế ngồi của ông bị lung lay, sợ mất địa vị và gắn với địa vị đó là quyền lực, gắn với quyền lực là những quyền lợi mà địa vị đó ban tặng cho ông và gia đình của ông. Cuối cùng dẫu biết rằng Chúa Giêsu vô tội, Philatô vẫn phải ra lệnh đóng đinh Ngài vào thập giá. Chỉ có mỗi một cử chỉ duy nhất vớt vát, đó là Philatô rửa tay và tuyên bố: “Tôi vô can không dính dấp gì đến cái chết này”. Nhưng vô can sao được! Ông là Tổng trấn, là người có quyết định sau cùng. Có thể tội của ông nhẹ hơn tội người khác thôi chứ không thể vô can. Philatô là như thế.
Chúa Giêsu xuất hiện ở đây như một phạm nhân. Nhưng Ngài lại được Philatô đặt câu hỏi: “Vậy ông là vua hay sao?”. Chúa Giêsu nhìn nhận mình là vua, nhưng Ngài nói thêm: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Ở đây cần lưu ý “Nước tôi không thuộc về thế gian này” không có nghĩa là thế giới của Chúa Giêsu chỉ xuất hiện sau khi chúng ta chết, trên thiên đàng, còn ở cuộc đời này thì không có gì. Trong Tin Mừng của thánh Gioan, từ ngữ “thế gian” có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là nghĩa vật lý đó là thế giới, là trái đất mà nhân loại đang sống với thiên nhiên vây bọc chung quanh, với đường sá, nhà cửa, với những sinh hoạt hằng ngày. Từ ngữ “thế gian” còn một nghĩa thứ hai, đó là thế giới này bị tội lỗi, bị sự ác thống trị. Nước của Chúa Giêsu không thuộc về thế gian này, có nghĩa là Nước của Chúa Giêsu không phải là Nước của bất công, của tội lỗi, nhưng là vương quốc của sự thật, của tình yêu, của công bằng, của lẽ phải, của sự quảng đại và tha thứ. Cho nên Ngài mới nói tiếp: “Tôi sinh ra và đến trong cuộc đời này là để làm chứng cho sự thật”.
Hai khuôn mặt của Chúa Giêsu và Philatô có dính dấp gì đến cuộc đời của mỗi con người ngày nay không? Nếu đọc lại vụ án này chỉ như một vụ án đã xảy ra cách đây 2000 năm rồi thôi, thì không có liên quan gì hết. Nhưng nếu đọc lại vụ án này và tìm cách nội tâm hóa, có nghĩa là nhìn vụ án này như thể đang diễn ra trong chính tâm hồn của mình, thì mỗi người sẽ thấy có dính dấp đến cuộc đời mình rõ lắm. Bởi vì trong tâm hồn của mỗi người đều có Giêsu và Philatô. Trong tâm hồn và cuộc đời mỗi người có hình ảnh Giêsu, bởi vì mỗi người đều khao khát cái đẹp, cái thiện, sự công bằng, tình yêu, khao khát sự thật. Nhưng đồng thời mỗi người cũng có hình ảnh của Philatô, nên chịu sức nặng của một đam mê nào đấy, đam mê xác thịt, tiền bạc, quyền lực. Và nhiều khi sức nặng của đam mê đó đè bẹp những giá trị Giêsu trong trái tim mỗi người.
Ngày lễ Chúa Kitô Vua là dịp để mỗi người khơi dậy giá trị của Vua Giêsu trong cuộc đời của mình. Tôi luôn luôn tin tưởng rằng những giá trị vẫn còn đó trong lòng mỗi người, dù là một người khô khan nhất, dù là một người bỏ đạo đi nữa.
Tôi tin trong đáy lòng mỗi người vẫn có những giá trị Giêsu, bởi mỗi khi làm điều gì sai quấy, lúc đêm về mình lại cảm thấy mất bình an. Tại sao như thế, nếu không phải là chính Chúa đã gieo vào trong lòng mỗi người điều thiện? Phải khơi dậy tinh thần, những giá trị của Vương quốc Thiên Chúa trong trái tim mình, trong cuộc đời của mình và làm cho những giá trị đó được sống mạnh hơn nữa.
Giám mục Phêrô NGUYỄN VĂN KHẢM
Bình luận