Năm 2024 sắp đi qua, để lại nhiều nghĩ suy về cuộc sống tương thân tương ái.
Biến đổi khí hậu và thiên tai khắc nghiệt một lần nữa biểu hiện rõ nét, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và kinh tế. Mừng Tết Nguyên đán Giáp Thìn không lâu, bà con miền tây bước vào những ngày sống chung với hạn mặn.
Không có nước ngọt, bà con miền sông nước phải đón từng chuyến ghe để mua từng khối nước với giá đắt đỏ. Thế rồi, đã có hàng ngàn chuyến xe chở nước từ các địa phương lũ lượt kéo về với biểu ngữ “Nước ngọt cho miền tây”, thật thân thương. Nhiều giáo xứ và dòng tu đã kịp thời hỗ trợ nước cho các vùng hạn mặn khốc liệt nhất. Các tu sĩ tỉnh dòng Thừa Sai Đức Tin, dòng Thánh Phaolô Sài Gòn xông xáo lên đường để mang nước. Nhiều sân nhà thờ trở thành điểm chuyển giao nước cho bà con trong khu vực, không phân biệt tôn giáo. Caritas các giáo phận tập trung nhân lực cho việc cung ứng nước với các chương trình tặng nước ngọt miễn phí, vận động kinh phí xây bể lọc nước… Giữa lúc hoạn nạn, tình người ánh lên, tinh thần sẻ chia hiển hiện sống động.
Sau nắng hạn lại tới mưa dầm, nghiêm trọng hơn hết là bão lũ, sạt lở đất. Cơn bão số 3 xảy ra vào tháng 9 đã gây tổng thiệt hại tài sản lên tới trên 81.503 tỷ đồng. Các giáo phận thời điểm đó ngay lập tức đã ra thư kêu gọi quyên góp giúp bà con miền bắc khắc phục hậu quả bão. Giáo dân từ người già cho tới trẻ nhỏ đều chung tay, sẵn sàng dùng tiền tiết kiệm để ủng hộ. Hình ảnh đẹp về sự sớt chia, tình hiệp thông lại được lan tỏa khi có nhiều chuyến xe vượt hàng trăm cây số, tới vùng bão lũ xa xôi, khó khăn để trao thực phẩm, thuốc men, hỗ trợ tài chính. Cho đến hôm nay, những chuyến thăm viếng đó vẫn còn được thực hiện một cách âm thầm, nhằm xoa dịu nỗi đau mất mát của bà con và giúp tái thiết cuộc sống. Đó là nghĩa tình đồng bào, tương thân tương ái và cũng là lối sống yêu thương như Tin Mừng dạy.
Khởi đầu Hiến chế Mục vụ, Công đồng Vatican II xác quyết: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô”. Có thể nói, trong những nỗi đau thương, người Công giáo Việt Nam chưa bao giờ dửng dưng như thể đang đứng ngoài lề, mà vẫn đang sống tinh thần Tin Mừng đồng trách nhiệm, liên đới cùng tha nhân, để “mọi sự cho mọi người” (1 Cr 9,12).
Giáo hội đang đi những chặng cuối của Năm Phụng vụ mà Giáo hội Việt Nam sẽ mừng lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam là những chứng nhân đã hy sinh mạng sống để minh chứng đức tin. Ngày nay, việc sống niềm tin cũng là thể hiện những hy sinh của bản thân để mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân. Giáo hội khuyến khích mỗi tín hữu hãy dành hết cuộc sống phục vụ anh em. Thật là đáng suy nghĩ với câu chuyện Đức Giêsu đã nhận xét về hành động của bà góa bỏ vào thùng những đồng bạc mà bà có: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân”.
Hùng Luân
Bình luận