Ngày hội “Việt Nam Xanh” đã được tổ chức trong hai ngày 9-10.11 tại Nhà Văn hóa Thanh niên (TPHCM), là cơ hội để nhiều người tiếp cận các khái niệm về sống xanh, tiêu dùng xanh, công nghệ xanh một cách cụ thể, dễ hiểu hơn. Nổi bật là các chủ đề, ứng dụng liên quan đến nhựa.
Ngay khi bước vào cổng tham dự, mọi người thường mang đổi những chai nhựa, hộp sữa lấy quà. Nhìn rất đơn giản nhưng cái mọi người nhận được không chỉ là quà, mà lớn hơn, đó là niềm tin vào một tương lai trong đó “xanh”…
Trong sinh hoạt thường ngày, “số phận” của những chai nhựa, bao bì nhựa sau khi sử dụng thường nằm lăn lóc, bị quăng ra đường, sọt rác, hay thậm chí ra sông, ra biển, may mắn hơn thì chúng được chôn để “yên nghỉ” dưới đất. Các nhà môi trường cho đây là sự lãng phí một loại tài nguyên.
Nguyên nhân chính khiến những chai nhựa bị vứt đi vô tội vạ có lẽ do người dân thiếu động lực và sự thuận tiện, nói nôm na là… lười. Mặt khác, những ai giữ lại những chai nhựa để bán ve chai, nộp vào những điểm thu gom tái chế lại cảm thấy cô độc, và được cho là “chẳng giống ai”. Cho nên, để tăng tỷ lệ tái chế chai nhựa, cần tăng số lượng chai nhựa được đưa vào quá trình tái chế, tức là cần có thêm nhiều lượt người bỏ chai nhựa vào các điểm thu gom tái chế. Đây là một bài toán khó và máy tái chế tại chỗ (recycle depot) chính là lời giải. Tại ngày hội xanh này, khách thăm quan chú ý đến hai chiếc máy tái chế tại chỗ. Đây là những “cỗ máy” thu gom rác thải nhựa, được đặt tại những nơi tập trung dân cư đông như chung cư, hay nơi có nhiều người qua lại như các siêu thị. Vậy là, thay vì bị bỏ phí sau một lần sử dụng, các chai nhựa đã được trao cho một “cơ hội sống” mới.
Theo một thống kê sơ bộ, tính từ lúc bắt đầu hoạt động (tháng 7.2023) đến nay, các “cỗ máy” này đã thu gom được tổng cộng 423.543 chai nhựa, 31.765 lon nhôm. Chưa hết, máy tái chế tại chỗ cũng cho phép người dùng nộp chai nhựa và quay số đổi thưởng.
Để tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp thường đua nhau đổ tiền vào những chương trình quảng cáo đắt đỏ. Còn giờ đây, họ có thể đầu tư cho những chiến dịch bảo vệ môi trường như đổi rác lấy quà, tích điểm như trên. Mặc dù vậy, lời giải này chỉ mới ở giai đoạn đầu, chưa được phổ biến rộng. Hy vọng trong sắp tới, sẽ có nhiều “cỗ máy” tái chế tại chỗ, cùng nhiều hình thức khích lệ tương tự, nhằm tạo thói quen “sống xanh”, trong đó có hoạt động tái chế tại chỗ.
Ngày nay, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển đổi mô hình phát triển, chọn đi đầu xu thế “sống xanh”, “phát triển xanh” hướng đến Net Zero với sự hỗ trợ của chính phủ, bởi không thể đứng ngoài sân chơi toàn cầu. Và bằng cách chuyển từ thói quen cá nhân sang chính sách cộng đồng, chúng ta có thể xây dựng một môi trường sống bền vững và lành mạnh hơn cho tương lai.
Đăng Khoa
Bình luận