(Lễ Đức Kitô Vua vũ trụ - Ga 18,33-37)
Ở Đông Phương thời cổ, thể chế quân chủ có liên hệ mật thiết với vương quyền thần linh: Vua trở thành vị trung gian bẩm sinh giữa các thần linh và nhân loại. Vua là thủ lãnh quân sự, dân sự và là Đại Tư Tế nữa. Israel chọn biểu hiện đế vương để gán cho Thiên Chúa, nhưng không áp dụng cho tổ chức chính trị của họ, bởi vì Thiên Chúa cai trị Israel nhờ Giao Ước (Tl 8,23; 1Sm 8,7; Xh 19,6). Không vị vua trần thế nào là hiện thân của Chúa giữa dân tộc Ngài.
Thời các thủ lãnh, Abimêlêk toan thiết lập tại Sachem một vương quyền (Tl 9,1-7) nhưng bị phản kháng (9,8-20) và thất bại (9,22-27). Nhưng trước sự đe dọa của Philitinh, các bô lão muốn có một vị vua để “xét xử và chỉ huy chiến trận” (1Sm 8,19). Samuel chống đối (8,6; 10,7; 12,12) nhưng vẫn xức dầu cho Saolê (9,16; 10,1). Đavít kế vị, ở miền Giuđa (2Sm 2,1-4) rồi ở Israel (5,1tt). Cả Saolê lẫn Đavít là lãnh tụ do đặc sủng. Nhưng rồi triều đại Đavít thành thể chế trường cửu, được ủy thác những lời hứa thần linh (7,5-16). Từ đó, niềm hy vọng của dân Chúa gắn liền với vương quyền Đavít, ít là ở miền nam (Ds 24,17 St 49,8-12). Miền bắc vẫn theo khuynh hướng đoàn sủng, vì chính các tiên tri khơi dậy những ơn gọi làm vua (1V 11,26-40; 2V 9).
Vua được thánh hiến qua việc xức dầu (1Sm 24,11; 26,9) nên đáng được kính trọng. Nhưng vua phải tuân theo các đòi hỏi của giao ước và lề luật. Trung thành, họ được Thiên Chúa bảo vệ và sẽ thắng ngoại thù, bảo đảm sự thịnh vượng cho dân (Tv 20,21), làm cho sự công chính ngự trị (Tv 45,4-8 72, 1-7). Đôi khi, vua cũng thi hành chức vụ phụng tự (2Sm 6,17t 1V 8,4.62) khiến người ta nghĩ đến chức tư tế vương giả (Tv 110,4).
Hướng về tương lai, Isaia trông ngóng vua tương lai chào đời (Is 9,1-6). Người sẽ làm cho sự công chính hiển trị (22,1-5). Mika tin tưởng ngày Người sẽ đến (Mk 5,1-5). Giêrêmia loan báo mầm công chính phát sinh từ dòng Đavít (Gr 23,5t)... Vào năm 587, kinh nghiệm về vương quyền chấm dứt, nhưng đã ăn sâu vào tâm trí Dân Chúa và càng bị thử thách, họ càng hướng về “thời cuối cùng”.
Chúa Giêsu đến rao truyền “Nước Chúa”, nhưng bác bỏ xu hướng chính trị khỏi ý niệm này. Người lẩn tránh khi dân chúng muốn tôn Người lên làm vua (Ga 6,15). Hiên ngang tiến vào Giêrusalem, nhưng Người xuất hiện với phương tiện khiêm tốn (Mt 21,5; Dcr 9,9). Không phủ nhận tước hiệu Vua (Ga 18,7), nhưng Người xác định “nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Thật vậy, Chúa Giêsu chỉ được vinh quang vương giả này khi Người sống lại và lại đến trong vinh quang ngày tận thế (Kh 17,14; 19,1tt).
Linh Mục phaolô PHẠM QUỐC TÚY - GP PHÚ CƯỜNG
Bình luận