Một Việt kiều hay được mời đi phiên dịch ở tòa án kể lại câu chuyện thật 100% để khuyên nhủ con cháu và cũng là để tự răn mình:
Có 2 bạn trẻ làm cùng công ty yêu nhau đã được hơn 1 năm. Chàng trai là người của công việc và rất giỏi chuyên môn. Người yêu nhờ gì thì anh ấy mới làm, tính tình khô khan, kiệm lời và lười vun đắp tình yêu. Anh sẵn sàng ở lại công ty làm xuyên đêm nhưng không muốn ngồi đợi người yêu 15 phút ở quán cà phê khi cô ấy đến muộn vì muốn mình xinh đẹp hơn trong bộ váy mới. Tóm lại là không tự giác và lãng mạn. Một lần nọ, giữa hai người xảy ra chuyện cãi vã ngay tại phòng làm việc. Cả hai “hoa chân múa tay”, dùng ngôn từ mạnh, không ai chịu nhường ai. Chuyện chỉ có vậy nhưng phòng nhân sự phát hiện ra, gọi cô gái lên hỏi chuyện. Trong cơn tức tối, cô khai quá lời, thậm chí còn bịa thêm chi tiết chàng kia đánh mình. Ngay lập tức, công ty ra biện pháp “suspend” (tạm cho nghỉ việc để cách ly môi trường làm việc và điều tra thêm sự thật, sau đó mới xét tiếp). Chàng trai cảm thấy oan ức, không nén nổi tức giận liền đấm một phát vào máy tính khiến nó bị hỏng màn hình. Đây là chiếc máy tính của văn phòng, nhiều người cần dùng. Thế là nhân viên bảo trì ngay lập tức tới kiểm tra, hỏi người giám sát là cái máy bị hỏng khi nào. Ông giám sát muốn bảo vệ chàng trai nên nói tránh rằng tôi cũng không rõ. Tuy nhiên, khi kiểm tra camera an ninh, người ta thấy ông giám sát nói dối: rõ ràng ông có mặt khi anh kia trút giận lên cái máy. Không nói nhiều, biện pháp sa thải khẩn cấp được tiến hành ngay ca làm việc hôm sau.
Cả ba người đều là những nhân viên tích cực, lương thiện, tử tế, công ty cũng đang thiếu người, vậy mà đùng một cái, sự việc trở nên quá tồi tệ (ở Mỹ, việc bị sa thải do kỷ luật là mối lo sợ lớn nhất của người lao động, bởi điều đó sẽ ghi rõ trong hồ sơ và họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tìm việc làm mới).
Rõ thật là…! “Hãy bắt giúp chúng tôi lũ chồn, lũ chồn con phá phách vườn nho, ngay giữa mùa hoa nở” (Nhã Ca 2,15). Chỉ vì con chồn nóng nảy mà phá hoại cả vườn nho cuộc đời đang tươi tốt.
Chẳng nói đâu xa, trong những dịp nghỉ lễ, Tết, có những vụ án người chết, kẻ đi tù chỉ vì hàng xóm mở loa kẹo kéo hát karaoke quá to, đã thế còn “can tội” hát lệch tông, trật nhịp. Khi bình tĩnh lại thì việc đã rồi, chẳng ai có thể “giá như”, “phải chăng”, “ước gì”… để coi sự việc như một ván “game”, xóa đi chơi lại được nữa!
Có người nhắc đến Nguyên tắc 80/20 - gọi là định luật Pareto, được đặt theo tên của nhà toán học người Ý Vilfredo Pareto - đại ý là 80% kết quả đến từ 20% nguyên nhân hoặc lý do xuất phát điểm.
Mọi người cứ ngỡ nguyên tắc 80/20 thường được áp dụng trong kinh doanh, chẳng hạn 80% doanh thu đến từ 20% đối tượng khách hàng chính; 80% lợi nhuận trong ngành phim ảnh đến từ 20% bộ phim... Thực tế, định luật này có thể có mặt trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống, trong đó có cả việc ra quyết định cá nhân, phản ứng, hành vi ứng xử, chọn lựa cách sống. Ví dụ: môt hành động hay lời nói trong lúc lý trí dễ mất kiểm soát (tức giận, vui quá, phấn khích, ham muốn) đều có thể mang đến những hệ quả không hề mong đợi hoặc tồi tệ.
Luôn phải nghĩ đến hậu quả của lời nói và hành động là những điều được nhắc đến trong cuốn sách nổi tiếng “The 7 Habits of Highly Effective People” (7 Thói quen của người thành đạt), nằm ngay trong hai thói quen đầu: “Be Proactive”/ Làm chủ chính mình và “Begin with the end in mind”/ Bắt đầu từ mục tiêu đã định trước.
“No quá mất ngon, giận quá mất khôn”, lời cổ nhân dạy chẳng mấy khi sai. Cơn giận dữ bột phát để lại hậu quả đáng tiếc, gây tổn thương tới người khác hoặc ảnh hưởng tới chính mình. Đừng để cơn giận đi quá xa! Không thiếu những cách tích cực để “hạ hỏa”, giảm căng thẳng, giao tiếp hiệu quả, đồng cảm với đối phương và tháo ngòi nổ.
Ths-Bs Lan Hải
Bình luận