Nhiều người cho rằng thiên nhiên rất tàn khốc, tuân theo quy luật “cá lớn nuốt cá bé”, “mạnh được, yếu thua”. Thật ra đó chỉ là một khía cạnh của thế giới tự nhiên, khi nhiều động thực vật phải ăn loài khác để sinh tồn. Dứt cơn đói, chúng lại trở nên hòa thuận, không xâm phạm lẫn nhau, thậm chí nhường nhịn nhau. Chỉ khi không gian sống bị thu hẹp và thức ăn khan hiếm, chiến tranh trong giới sinh vật mới nổ ra. Quy tắc của thiên nhiên rất đơn giản: Nhường cho tới khi không tổn hại đến mình, đấu cho tới khi không cần thiết nữa thì ngừng ngay.
Tiếc thay, nhiều người không thể làm được như vậy, cứ hy sinh tới cạn kiệt hoặc là tranh giành, đấu đá một mất một còn mới chịu.
*
- Có gia đình neo đơn nọ chỉ có hai mẹ con, nhờ chăm chỉ làm việc và chi tiêu hợp lý nên dành được khoản tiền kha khá. Vì ở xa quê, không có họ hàng làm chỗ dựa nên họ coi đây là tiền “dưỡng già”. Tuy vậy, họ không hề keo kiệt mà sẵn sàng giúp đỡ người thân, mừng cưới hào phóng, thỉnh thoảng còn cho các cháu “vay vốn” với lãi suất 0 đồng. Vài năm sau, người mẹ đến tuổi về hưu, đám cháu cũng đã yên bề gia thất nên bà và con gái gom tiền về một mối, tạo “số dư sinh lời”. Đang yên đang lành, thằng cháu rể nghe mẹ vợ vui miệng kể bà dì neo đơn có khoản tiền tiết kiệm liền xin “mượn đỡ”. Trước giờ, dì vui vẻ cho cháu mượn để có vốn làm ăn thì cháu khen dì tốt bụng, hào phóng. Đến khi dì dùng tiền đó hùn hạp đầu tư với bạn bè để lo cho mình thì cháu quyết liệt ngăn cản, “sợ dì bị lừa mất sạch tiền”.
Bấy giờ, người dì neo đơn mới nhận ra tiêu chuẩn kép và cái “red flag” sặc mùi thợ mỏ của “ông cháu”. Bà chợt nhớ lại những lần về thăm quê từng nhờ cháu rể chỉ cách mở tài khoản online để tiền bạc sinh lời, nhưng chúng toàn để ngoài tai. Ngược lại, nếu “đánh hơi” thấy bà dì có tiền dư thì rất nhiệt tình hỏi vay.
Từ đó, hai mẹ con nhà này quyết định không cho họ hàng vay tiền nữa, nhất là người như cháu rể. Họ đã “nhường” đủ rồi, giờ là lúc đầu tư bền vững cho tương lai của mình. Sau bao lần giúp đỡ họ hàng không ngần ngại, chẳng ai có thể phán xét họ được.
- Trong vô số câu chuyện đời thường được chia sẻ trên mạng, ta dễ dàng bắt gặp những chàng trai, cô gái bị cha mẹ đào tạo thành kẻ gánh vác gia đình ngay từ nhỏ. Họ phải hy sinh vô điều kiện, không được nghĩ tới hạnh phúc riêng nếu cha mẹ chưa cho phép hoặc các em chưa đủ lông đủ cánh. Ở nước láng giềng phương Bắc, tưởng như tỷ lệ nam thừa nữ thiếu sẽ khiến giá trị phái nữ tăng lên nhưng sự thật đắng lòng là các gia đình nông thôn có con gái thường thách cưới rất cao, nhiều khi hôn sự của cô dâu bị gãy gánh, nếu cưới được thì nhà chồng sẽ coi con dâu như mua osin về với giá cắt cổ. Vậy nên họ đối xử với cô theo kiểu “mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng”. Còn nhà gái thì dùng sính lễ của con gái vào việc xây nhà, cưới vợ cho con trai. Cái vòng luẩn quẩn cứ thế nối tiếp. Ý nguyện và hạnh phúc hôn nhân của cô dâu không đáng bận tâm trong các vụ trao đổi này.
Dù tư tưởng trọng nam khinh nữ không còn cực đoan ở Việt Nam, nhưng việc con cả trong gia đình trở thành trụ cột không hiếm gặp. Những người anh, người chị ấy bị “lập trình” phải hiến dâng, nhường nhịn mọi thứ cho người nhà, nhất là con cưng của cha mẹ. Một vài người tỉnh ngộ kịp thời sẽ dứt khỏi mối quan hệ “hút máu”, ai kém may mắn hơn thì lỡ dở cuộc đời, tan vỡ hôn nhân vì hy sinh hết mình cho nhà đẻ.
*
Văn hóa Á Đông luôn đề cao tính khiêm nhường, chu đáo, biết nghĩ cho người khác. Đạo lý cổ xưa cũng khuyên sống ở đời nên cho đi mà không mong nhận lại, làm ơn mà không chờ báo ơn. Người ta sẽ luyện được tâm thái ấy nếu biết đặt ra giới hạn của chữ “nhường”. Nhường quá nhiều ắt tạo nên sự bất công, ỷ lại; nhường vừa đủ, không để bản thân chịu thiệt thòi thái quá sẽ hài hòa, thanh thản hơn, như cây trong rừng chia sẻ với nhau đất, nước, không khí và ánh mặt trời.
Ths-Bs Lan Hải
Bình luận