Tháng Mười, bổn đạo thường gọi là tháng Mân Côi, một cách vắn tắt như thế để chỉ về việc sùng kính Mẹ Maria. Các xứ đạo miền quê cho đến ngày nay vẫn giữ truyền thống đọc kinh liên gia, đặc biệt trong tháng này.
Lệ thường, để tiện cho việc tổ chức, người ta đọc theo khu, miễn sao tới cuối tháng cũng là khép lại ở nhà cuối cùng. Khu giáo ở xứ nhà quê thường chia theo kênh rạch, khúc sông này là một khu, qua cây cầu bắc ngang, đến trường học là khu khác, chẳng hạn. Dễ nhớ! Những buổi chiều, sau giờ cơm lại thấy người lớn, con trẻ đổ về một hướng trên con đường làng. Các ông bà cao tuổi chầm chậm bước phía sau, ngang nhà ai đó có tiếng với ra, chọc: “Trễ mất rồi!”. Có cụ cười móm mém: “Chưa đâu!”. Nói vậy mà tay cầm gậy chống cho nhanh, ra vẻ hối hả.
Chủ nhà của giờ kinh hôm đó dù có bận rộn cỡ nào cũng lo chu đáo bàn ghế và trà bánh mời khách. Nhà ai có trái cây chín cũng bưng ra sau giờ kinh nguyện. Thỉnh thoảng còn có khoai lang, chuối luộc, thiệt dân dã.
Mùa này mưa nhiều. Chiều ở quê mát mẻ. Có hôm trời se se lạnh. Mấy ông bà mặc theo áo khoác, và lũ trẻ cũng được trang bị để “về cho đỡ lạnh, sương xuống!”. Người quê bao năm lam lũ. Ngày họ đi làm vườn, tối về vẫn có khoảng thời gian dành cho hàng xóm, cho kinh kệ. Họ tụ họp sớm và sau đó chừng mươi phút, nửa tiếng để chuyện trò. Họ nói vui: “Giờ kinh là chính, giờ chơi là mười!”. Chơi ở đây, theo ý niệm của người đồng bằng là hàng xóm cùng ngồi lại hỏi han, chia sẻ. Chuyện nhà cửa, đạo nghĩa, làm ăn… tá lả trên đời. Những lúc này, trà và bánh là hai thứ cần thiết như gia vị nêm vào cho buổi gặp gỡ đậm đà.
Mấy đứa trẻ con lớn lên trong xóm đạo, có đi đâu cũng không quên được những buổi tới lui nhà người này, người kia thuở nhỏ. Niềm vui của chúng đôi khi chỉ là được hát lớn. Chúng đua ngầm coi đứa nào hát hay hơn, lớn giọng hơn. Chúng cũng bàn tán bánh nhà nào ngon, có loại mà mình yêu thích. Người lớn nghe được, chỉnh ngay con cháu mình: “Không được so đo. Nhà chú thím đãi cốt là ở tấm lòng. Muốn ăn loại này, loại khác về nhà cha mẹ mua”. Người kế bên cười: “Con nít mà! Ai lại đi trách chứ!”. Nói thế, nhưng họ hài lòng về cách uốn nắn từ nhỏ và từ những chuyện đời thường như vậy. Họ tự hào vì bao lớp trẻ sinh ra ở xóm làng được giáo dục tử tế, đến khi trưởng thành mang theo lòng đạo đức, nhân hậu mà đối đãi với mọi người, cho dù có mộc mạc, chân quê. Đi qua năm tháng tuổi thơ, những giờ kinh trong xóm đạo từ lúc nào đã thấm vào tâm thức thế hệ trẻ. Vậy ra, nếp đạo hình thành cách giản đơn mà đầy tình nghĩa.
Bà Tư, người trong xóm, năm nay lụ khụ quá! Nghe tụi nhỏ nói, bà kêu: “Tao ngoài chín chục rồi mày. Đã gần đất xa trời!”. Cái lưng còng, bà chống gậy chậm rãi và khổ sở. Không đi đạo nhưng ở gần với nhau, sinh hoạt, hội hè gì bà cũng biết hết. Bà là dân nhập cư, về xứ này được chục năm với đứa con gái. Lần nào cũng thế, khi bổn đạo đọc kinh xong cũng là lúc bà chống gậy đi ngang. Hàng xóm mời vào. bà nói: “Tui đi đằng này chút”. Dẫu vậy, ai cũng hiểu bà thích cái bầu khí tụ họp, sum vầy. Những ngày không có giờ kinh liên gia, tối tối xóm ngồi lại bên đài Đức Mẹ, nhiều người thường thấy bà hay “đi đằng này” rồi quẹo vào, rồi trò chuyện rất lâu. Có lẽ đó là niềm vui tuổi già chăng? Có sức hút nào chăng?
Một hôm, khi đọc kinh xong, người về gần hết chỉ còn bà Tư, cha xứ và người trong nhà, bà bắc ghế qua sát bên cha, hỏi luôn: “Bây giờ, cho tui đi nhà thờ rồi đọc kinh như mấy người này, được hông?”. Bà Tư cười, ngài ngại mà thinh thích. Mấy người chủ nhà chẳng biết nói thiệt hay giỡn, khoái chí nói liền: “Thì bà cứ đi thôi, được vậy còn mừng!”.
NGUYỄN HOÀNG LAN, Hậu Giang
Bình luận