Nhiều câu chuyện hư cấu trên mạng, nhất là truyện tình cảm lãng mạn, gần đây đang thịnh hành mô-típ “có không giữ, mất tiếc ghê” hoặc “có không giữ, mất… giãy đành đạch”. Nhân vật chính thường là nữ, sau khi bị người yêu hoặc chồng con phụ bạc, xem thường và ruồng rẫy, họ có thể được quay về quá khứ làm lại từ đầu, hoặc rũ bỏ mối quan hệ độc hại, tiến về tương lai và phát triển bản thân. Trong đa số câu chuyện kiểu này, kẻ từng đối xử tệ với nhân vật chính sẽ rất hối hận, thậm chí quyết tâm theo đuổi lại người cũ và muốn cản trở họ có tình yêu mới. Độc giả thường thích thể loại này vì cảm thấy hả dạ, “đã cái nư” khi nhân vật chính trỗi dậy từ tro tàn, trở nên thành công và tự tin hơn, sau đó khiến những người hãm hại họ trả giá.
Văn chương, phim ảnh sinh ra để phản ánh thực tế, nhưng cũng để thỏa mãn ảo mộng của con người. Thực tế ở chỗ, nhiều người đã bị bỏ rơi, hành hạ, hiểu lầm hoặc phản bội; ảo mộng ở chỗ, họ được ban cho cơ hội làm lại cuộc đời, gặt hái hạnh phúc viên mãn. Ví dụ điển hình là “Truyện người con gái Nam Xương” trong tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ. Truyện kể về Vũ Thị Thiết (Vũ Nương), một người thùy mị nết na, lấy chồng là con nhà khá giả nhưng vô học, vũ phu. Khi chiến loạn xảy ra, người chồng đi lính nên Vũ Nương phải một mình chăm con và mẹ chồng. Đến ngày chồng về, đứa con đã ba tuổi còn mẹ chồng đã mất. Đoàn tụ chưa bao lâu, người chồng đã nghi ngờ lòng chung thủy của vợ vì nghe con trai nói về “một người cha luôn lặng thinh đến gặp mẹ con nó mỗi đêm, mẹ ngồi thì cha cũng ngồi, mẹ đứng cha cũng đứng”. Thay vì hỏi rõ, anh ta lại bóng gió này nọ và mắng nhiếc vợ. Hàng xóm láng giềng thanh minh dùm Vũ Nương không được, cuối cùng nàng đành trầm mình xuống sông để chứng minh sự trong sạch. Nỗi oan của nàng chỉ sáng tỏ khi chồng bế con vào buổi tối bên ngọn đèn, đứa bé chỉ vào cái bóng hắt trên tường rồi nhận là cha. Thì ra, nàng từng chỉ vào bóng mình trên tường, bảo đó là cha để đứa con khỏi thắc mắc.
Có lẽ vì quá thương cho Vũ Nương mà dân gian đã viết thêm đoạn kết rằng nàng không chết mà được tiên nữ thủy cung cứu mạng, đem về cưu mang. Sau đó, vì quyết tâm giải oan cho mình nên nàng trở lại gặp chồng lần cuối. Lúc bấy giờ, Vũ Nương hiện lên giữa dòng sông trong trang phục lộng lẫy, theo sau là đoàn tùy tùng đông đảo từ thủy cung. Dù chồng gọi về, Vũ Nương vẫn lắc đầu đáp rằng nàng chịu ơn các tiên nữ nên sẽ không về trần gian nữa.
Giờ ngẫm lại, thấy quả thật cảnh Vũ Nương từ thủy cung lên gặp chồng làm người đọc phần nào thỏa mãn hơn cái kết nàng trầm mình. Họ đã thấy người chồng thất phu của nàng ân hận và xin nàng quay lại. Dù muộn màng nhưng cú “vả mặt” này vẫn khá “đã đời”.
*
Tại sao người ta thích loại kịch bản “có không giữ, mất tiếc ghê”? Vì rất nhiều người đã trải nghiệm nỗi đau bị coi thường, bỏ rơi và phụ bạc. Tiếc thay, không phải ai cũng có cơ hội trừng phạt thủ phạm hay bắt hắn phải hối hận do đã bỏ lỡ mình. Vài người trượt dốc thảm hại sau cú sốc tinh thần, vài người khác cố gắng trở nên thành đạt nhưng chẳng ai công nhận. Khát khao được ngợi khen, yêu thương; khát khao cảm thấy bản thân có giá trị dần chuyển vào thế giới văn chương, thu hút con người tìm kiếm, sáng tác ra những câu chuyện người bị bạc đãi “báo thù” bằng cách lạnh nhạt với những kẻ không trân trọng mình, trở nên xinh đẹp và giỏi giang hơn để bọn họ biết mặt. Đến lúc đó, họ lâm vào trạng thái tiếc nuối không nguôi; còn nạn nhân thì kiêu hãnh ngẩng cao đầu, tự tin tiến về phía trước.
Những câu chuyện như thế không chỉ giúp ta thỏa lòng mà còn gián tiếp động viên ta thêm yêu bản thân, hướng đến sự độc lập, thay vì trông đợi người khác ban phát tình yêu cho mình. Hóa ra, có những thứ mất rồi mà ta không hề thấy tiếc, ngược lại còn nghĩ sao không… mất sớm hơn! Người ta nói: Sức mạnh lớn nhất không phải là chưa bao giờ sai, mà là luôn luôn đứng dậy sau mỗi lần gục ngã.
Ths-Bs Lan Hải
Bình luận