Trong những năm tháng công khai rao giảng, Ðức Giêsu đã được dân chúng đón nhận, tuy nhiên, Ngài cũng phải chịu nhiều khổ đau và thất bại do những hiểu lầm, ghen tương, cố chấp của các thầy kinh sư và biệt phái. Thậm chí chính những người đồng hương và thân quyến cũng không đồng tình khi thấy Ngài quá bận bịu với công việc rao giảng và chữa lành những người bệnh hoạn tật nguyền. Còn các kinh sư từ Giêrusalem xuống để điều tra về Ðức Giêsu, không thể phủ nhận Chúa có khả năng trừ quỷ, nhưng lại giải thích với cái nhìn đầy ác ý: Ðức Giêsu là người của quỷ, cậy dựa vào sức mạnh của Satan.
Sự hiện diện của Đức Giêsu đã phân loài người làm hai loại: Ai tin và sống trong Ngài, thì người ấy được trở nên cùng một nguồn gốc, cùng một xương thịt, cùng một sự sống, đến nỗi được đồng hóa với Ngài (x Dt 2,11.14; Gl 2,20; Ga 6,57); trái lại, kẻ đã biết Ngài đến từ Thiên Chúa, mà chống đối, thì họ không bao giờ được dung thứ, thành người ngoài của gia đình Thiên Chúa. Sự phân loại này đã được ông Simêon nói cho Đức Maria ngay khi Mẹ dâng con vào đền thờ: “Này, Ngài có mệnh làm cớ cho nhiều người bổ nhào và trỗi dậy trong Israel và làm dấu gợi lên chống đối” (Lc 2,34).
Đức Giêsu chiến thắng Satan
Vì chữa được nhiều bệnh tật, Đức Giêsu được dân chúng tin theo, thấy vậy, những kẻ thù để đuổi quỷ”. Bêendêbun là tên của quỷ vương, cũng chỉ về thần ô uế, vì người Do Thái nói Satan là nguồn gốc mợi sự dơ dáy!
Chúa đáp lại lập luận đó bằng những chứng lý không chống lại được:
- Nếu Chúa nhờ quỷ vương để trừ quỷ thì vương quốc của nó đã bất ổn, bị phân hóa. Nếu quả thật quỷ vương đã dùng quyền của nó để tiêu diệt lẫn nhau, thì nước của nó không thể tồn tại được. Dầu cho các thầy luật sĩ có nói đúng đi chăng nữa, thì theo lập luận này, ngày tàn của Satan cũng đến rồi!
- Nếu Ngài dùng quyền năng Thiên Chúa mà trừ quỷ thì rõ ràng đã xâm nhập vào lãnh địa của Satan, và như thế nó đã bị đè bẹp, “kẻ mạnh sức” này coi như đã bị trói lại, đã thua cuộc. Ngày tàn của Satan cũng đến rồi!
Như thế ma quỷ là kẻ thua cuộc. Trong bài đọc 1 của sách Sáng Thế, Thiên Chúa đã nói trước về sự thất bại này: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân Người” (St 3,15).
Trước sự thật quyền năng của Thiên Chúa đang chiến thắng, ta thấy thần ô uế phải sấp mình dưới chân Đức Giêsu và tuyên xưng: “Ông là Con Thiên Chúa” (Mc 3,11). Và chúng xác nhận công khai, gào lên trước khi bị tận diệt: “Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai rồi. Ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24).
Tội cứng lòng không tin vào Đức Giêsu
Nhìn thấy những việc Chúa làm: “Những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,4-6), người ta phải biết là nước Thiên Chúa đang đến. Thế nhưng, vẫn có những người không chấp nhận, đã vu khống và lăng mạ Ngài, nói Ngài là người của ma quỷ. Chúa Giêsu bảo đó là thứ tội mãi mãi không được tha.
Tại sao tội này lại không thể tha thứ được? (Mc 3,29); nó khác với tội khác như thế nào? Câu trả lời thật đơn giản: Khi một người cứng lòng thì họ không ăn năn. Và nếu không ăn năn thì không thể được tha thứ, vì ăn năn là điều kiện duy nhất để lãnh ơn tha tội. Không được tha chẳng phải vì Thiên Chúa hẹp hòi, nhưng vì người ấy không cần đến ơn tha thứ, hay người ấy khép lòng lại: đó là tội cứng lòng, tội phạm đến Chúa Thánh Thần. Đây là trường hợp mà Stêphanô nói với cấp lãnh đạo Do Thái: “Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần… Các ông phản bội và sát hại Đấng Công Chính. Các ông là những người đã lãnh nhận Lề Luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ” (Cv 7, 51-53).
Những ai làm theo ý của Thiên Chúa sẽ là người trong gia đình Đức Kitô
Đang lúc những người chống đối lên tiếng chê trách Đức Giêsu, thì người ta lại báo tin có Mẹ và anh em đến. Ngài đã mượn cơ hội rất đời thường này để nói cho mọi người và cho tín hữu hôm nay về một kế hoạch thật lớn lao, đó là xây dựng một “Gia Đình Mới”. Gia đình này không đặt nền trên tương quan huyết thống, mà trên việc “lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa” (Lc 8, 21). Chính Ngài nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,35).
Giáo xứ và mọi cộng đoàn đức tin, hay tất cả tín hữu chính là hình ảnh Gia Đình Mới của Đức Giêsu: tuy không phải là ruột thịt, nhưng bởi việc lắng nghe và sống Lời Chúa, mỗi người đón nhận Ngôi Lời vào trong cuộc đời, trở thành anh chị em của Đức Giêsu, và cũng là con của cùng một Mẹ Maria. Sự quy tụ này đang lớn dần trong Giáo hội và là một hình ảnh rất đẹp nói về Gia Đình Mới của Đức Giêsu.
Tội nào cũng có thể được tha thứ nếu người ta còn tin tưởng vào lòng xót thương của Thiên Chúa. Ngược lại, nếu chối từ Thiên Chúa, thất vọng hoàn toàn về tình thương tha thứ, cũng như không còn tin và yêu mến Ngài nữa, là xúc phạm nặng nề đến chính Chúa Thánh Thần, và không được tha thứ.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông Thư “Dominum et Vivificantem” đã nói: “Tội phạm đến Chúa Thánh Thần không phải chỉ đơn thuần xúc phạm đến Ngài bằng lời nói, mà hệ tại sự chối từ nhận lãnh ơn cứu chuộc mà Thiên Chúa ban cho” (ibid. no.46.3). Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã xác định: “Những người nói phạm đến Thánh Thần là người không muốn được thứ tha, họ đóng cửa lòng trước ơn tha thứ”.
Mở cửa lòng ra với Chúa, chắc chắn mỗi Kitô hữu sẽ mở cửa lòng ra với tha nhân, để chung tay xây dựng Gia Đình Mới. Những cánh cửa lòng cùng mở sẽ liên kết tất cả lại thành những người trong cùng một mái nhà, cùng một gia đình của Thiên Chúa.
Linh mục Ðaminh Ngô Công Sứ
Bình luận