Ngày đầu tháng 5, tháng kính Đức Mẹ, cũng là ngày Giáo hội mừng kính Thánh Giuse Lao động, hầu hết các xứ đạo đều tổ chức rước kiệu Thánh Giuse, kiệu Đức Mẹ. Nhiều giáo xứ còn có thêm một kiệu Hoa để mừng kính hai đấng và khởi đầu Tháng Hoa. Cũng dịp này, các đoàn con hoa của khu họ, của cả xứ đều tham dự cuộc rước kiệu. Các em nữ mặc áo dài trắng, đầu đội khăn lúp, có vương miện hoa đủ 5 màu (hiện nay các em ở thành thị mặc áo đầm trắng hay xanh nhạt da trời). Cũng có nơi các em thiếu nhi nam, quần xanh áo trắng, tham dự đội tiến hoa. Giáo dân tham dự mỗi người cầm một cành hoa tươi, thường là bông huệ trắng, để cùng tiến lên cắm hoa sau khi đội hoa đại diện dâng hoa xong.
Tại Việt Nam, từ cuối thế kỷ thứ XIX, đã có các đội con hoa. Các linh mục khuyến khích các tu sĩ, giáo dân sáng tác các bài vãn hoa với cung điệu dân ca theo vùng miền. Hàng năm, sau Mùa Phục sinh, các bà quản lại tập các nhi đồng nữ dâng hoa để chiều thứ Năm, thứ Bảy hàng tuần, luân phiên các đội hoa của các họ (khu) tiến hoa kính Mẹ. Sau buổi dâng hoa, cả nhà thờ cùng làm giờ khấn xin ơn bình an cho xứ họ. Xin Đức Mẹ chuyển cầu những ơn cần thiết lên Thiên Chúa cho mưa thuận gió hòa, công việc làm ăn và mùa màng được tốt đẹp…
Việc dâng hoa kính Đức Mẹ dù dưới hình thức nào, cũng là dịp tín hữu bày tỏ lòng yêu mến Mẹ Maria. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo minh định: “Trinh nữ Maria được công nhận và tôn kính là Mẹ đích thực của Thiên Chúa và của Đấng Cứu chuộc… Mẹ cũng thật sự là ‘Mẹ các chi thể Chúa Kitô’… vì Mẹ đã cộng tác bằng đức ái của mình vào việc sinh ra các tín hữu trong Hội Thánh, là những chi thể của Đức Kitô là Đầu. Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô, là Mẹ của Hội Thánh” (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 963).
Năm 1965, Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành Tông huấn đề cao lòng tôn sùng Đức Mẹ Maria trong tháng 5. Qua đó, ngài cũng nêu lên những giá trị cao quý của việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm: “Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới vốn có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ những tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ” (Tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ, số 1).
Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng đã đặt lại chỗ đứng của việc tôn kính Đức Mẹ Maria, nghĩa là việc tôn kính Mẹ Maria phải được đặt vào trong tương quan của mầu nhiệm ơn cứu rỗi, việc tôn kính Đức Mẹ phải được đi đôi với những mầu nhiệm trong cuộc đời của Đức Kitô. Việc tôn kính Mẹ Maria trong tháng Năm là một truyền thống tốt đẹp, nhưng nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa, cùng đích của mọi việc tôn thờ là chính Chúa. Trong niềm hiếu thảo đối với Mẹ Maria, người Kitô hữu luôn được mời gọi để không ngừng kết hiệp với Chúa, noi gương Đức Mẹ - một tín hữu mẫu mực đã tiên phong trong cuộc hành trình đức tin.
Tuy nhiên, việc sùng kính đó nhiều lúc đã làm cho không ít người xa lạ với đức tin, tức là đã nhìn nhận Đức Mẹ như là đấng trung gian tuyệt đối, mà quên mất rằng: “Mọi ảnh hưởng có sức cứu độ của Đức Trinh Nữ trên nhân loại, đều bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô” (x. LG 60). “Thực vậy, không bao giờ có thể đặt một thụ tạo nào ngang hàng với Ngôi Lời Nhập Thể và Cứu Chuộc” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 970).
ĐỖ LỘC HƯNG
Bình luận