Quan niệm của phương Tây về thời gian là dòng chảy một chiều, đã trôi qua là không trở lại. Thế nên triết gia Hy Lạp cổ Heraclitus mới có câu nói nổi tiếng: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Triết học Ấn Độ cổ thì lại cho rằng thời gian không phải đường thẳng mà như vòng quay bốn mùa nối tiếp nhau, như chu kỳ trăng cứ tròn lại khuyết.
Thần thoại Ấn Độ chia thời gian thành 4 kỷ nguyên/ thời đại (yuga): Satya Yuga hoặc Krita Yuga, Treta Yuga, Dwapara Yuga, và Kali Yuga. Khi du nhập sang Hy Lạp, chúng đổi tên thành thời đại Vàng (thời đại hoàng kim), thời đại Bạc, thời đại Đồng và thời đại Sắt.
- Thời đại Vàng (Satya Yuga), nhân loại sống chan hòa với thiên nhiên, đoàn kết yêu thương nhau, không phân biệt sang hèn. Tuổi thọ con người khi ấy rất cao, lên đến mấy ngàn năm. Họ không lo nạn đói, chiến tranh hay thiên tai, vì trời đất luôn ban cho họ đủ lương thực. Thần thoại Ấn kể rằng con người thời đại hoàng kim có nhiều năng lực tâm linh, dễ dàng kết nối với thần thánh. Thời đại Vàng tựa mùa xuân tươi đẹp, giàu sức sống. Tiếc thay, mùa xuân dài đến mấy cũng qua đi, nhường chỗ cho mùa hạ.
- Thời đại Bạc (Treta Yuga) tượng trưng cho mùa hạ xanh tốt, đầy nắng ấm. Bấy giờ, tâm hồn con người có 3 phần thiện, 1 phần ác. Ở thời này, con người vẫn sống rất thiện lành nhưng đã bắt đầu phân chia đẳng cấp, hình thành thể chế nhà nước sơ khai. Phần ác nhỏ nhoi trong lòng người biểu hiện dưới dạng dục vọng, khao khát. Sử thi “Ramayana” nổi tiếng của Ấn được tin là xảy ra trong thời đại Bạc này.
- Thời đại Đồng (Dwapara Yuga) giống như mùa thu, mùa của sự suy tàn, có lẽ vì vậy người Mỹ mới gọi mùa thu là “fall” thay vì “autumn”. Đây là thời mà thiện ác song hành trong trái tim con người. Xã hội bắt đầu xuất hiện mâu thuẫn, chiến tranh; thiên nhiên cũng không còn ôn hòa tốt đẹp; thần thánh dần xa rời nhân thế. Theo thần thoại Ấn, vào cuối thời đại này, trận đại chiến khốc liệt trong thiên sử thi “Mahabharata” đã nổ ra, kéo theo vô số sinh mạng ngã xuống. Sau cuộc chiến đó vài chục năm, thế gian bước vào mùa đông khắc nghiệt của thời đại Sắt.
- Thời đại Sắt (Kali Yuga) được nhiều người Ấn tin là thời mà chúng ta đang sống, một kỷ nguyên đầy hỗn loạn, tràn ngập thiên tai nhân họa, đạo đức thì suy đồi nghiêm trọng. Bởi lúc này, cái ác chiếm 3 phần, cái thiện chỉ còn 1 phần. Tuổi thọ con người chỉ còn khoảng 100 năm, thấp nhất trong bốn thời đại. Chiều cao, trí tuệ của họ suy giảm so với ba thời đại trước, khả năng tâm linh gần như thoái hóa. Con người không còn giao tiếp được với thiên nhiên và thần thánh nữa, vì vậy họ chỉ biết đến đời sống vật chất, chạy theo nhu cầu thể xác. Theo những lời tiên tri cổ xưa, cuối thời đại Sắt, thần thánh sẽ hóa thân xuống “reset” lại thế giới, tạo tiền đề cho kỷ nguyên mới.
*
Mọi sinh vật từ ngày mở mắt chào đời đều được định sẵn sẽ lớn lên, già đi rồi qua đời, đó là sinh - lão - bệnh - tử. Mọi nền văn minh và triều đại, khi lên đến tột đỉnh vinh quang, sẽ dần trượt dốc rồi tàn lụi, đó là hưng - thịnh - suy - vong. Thế nhưng, người ta vẫn bảo thời khắc tăm tối nhất là trước lúc mặt trời ló dạng. Khi cánh rừng bị cháy rụi, những mầm non mới sẽ mọc lên từ đống tro tàn. Sau mùa đông lạnh lẽo sẽ là mùa xuân tươi đẹp, báo hiệu một năm mới, một vòng tuần hoàn mới của thời gian.
Nelson Mandela, cố tổng thống Nam Phi kiêm “người tù thế kỷ”, đã nói: “Mong sao những lựa chọn của bạn phản chiếu hy vọng chứ không phải nỗi sợ”.
Nếu đúng như thần thoại Ấn nhận định và chúng ta đang sống trong thời đại Sắt đầy khổ nạn, thử thách, thì cũng chẳng cần nuối tiếc hay sợ hãi. Bởi đổi thay chính là quy luật chung của tạo hóa. Nếu đang viên mãn đủ đầy, hãy tận hưởng và quý trọng, vì một ngày nào đó, những điều tốt lành sẽ mất đi. Nếu đang chìm trong thống khổ, hãy kiên trì giữ vững ngọn đuốc hy vọng và tiếp tục tiến lên, vì đêm tối nào rồi cũng qua đi và bình minh sẽ đến.
Ths-Bs Lan Hải
Bình luận