Luce - nhân vật biểu tượng của Năm Thánh 2025 - xuất hiện như một luồng gió tươi trẻ thổi vào lòng Giáo hội. Nếu đọc qua các tài liệu giới thiệu về Luce, ta sẽ thấy các chi tiết đặt để vào nhân vật này đều mang một ý nghĩa riêng đặc biệt. Nhân vật Luce được xem là hình ảnh hội tụ đủ ‘‘tiêu chuẩn cơ bản của một người hành hương’’.
Người ta kể về hình tượng cô bé như sau: Luce lên đường với đôi mắt sáng rỡ, ánh nhìn đầy hy vọng và niềm tin. Luce tiến bước với cây gậy và chiếc áo mưa vàng, biểu lộ lòng cậy trông phó thác cho sự dẫn lối của Thiên Chúa. Luce hân hoan khi dấn sức lữ trình, dù đôi chân có lấm đầy bùn đất. Luce bình an trong từng biến cố, vì tràng hạt Mân Côi trên cổ là vũ khí tối thượng, giúp cô cầu nguyện và gặp gỡ Đức Kitô. Luce ra đi và biết mình đi đâu, biết mình đi để làm gì. Đi vì có Chúa cùng đi, và có những người bạn đồng hành.
Luce có khi nào mệt không? Chắc là có! Không những mệt, mà đôi lúc còn muốn bỏ cuộc, quay đầu. Luce chắc cũng từng sợ hãi, cũng đi qua đêm tối, đạp phải gai, cũng kinh ngang vực sâu hố thẳm? Hay cũng đôi lần hoài nghi về đức tin, và chán ngán nhiều đoạn đường đá sỏi? Hành trang Luce mang theo ngày đầu dường như không còn “đủ tiêu chuẩn” theo cái nhìn “thế gian” nữa!
Bức tranh Luce và những người bạn phản chiếu một thế giới hiện thực đầy sống động, đáng cho ta suy ngẫm. Cuộc lữ hành của dân Do Thái xưa về miền Đất Hứa lao nhọc ra sao, con người hôm nay - trên hành trình đời mình - cũng thách đố không kém. Nhưng, vì sao nhiều người quanh chúng ta - như Luce - vẫn đi, vẫn tiến bước trên con đường gập ghềnh như thế, dù hành trang dường như chưa “đủ chuẩn”?
Bởi họ đi không cậy dựa vào sự trợ sức bên ngoài, mà đi với lý tưởng đã chọn và với ơn Chúa ban cho, với niềm cậy tin bền đỗ. Họ đi như Luce, đi với khuôn mặt đầy hân hoan, đi trên đôi chân chứa chan hy vọng, và con tim chan chứa lửa mến.
Liệu hôm nay, chúng ta có đang ngập ngừng, đợi “đủ chuẩn” rồi mới lên đường?
Anh Thư
(Hậu Giang)
Bình luận