Năm 1972, Ðại hội đồng Liêp Hiệp Quốc chọn ngày 5.6 hằng năm làm Ngày Môi trường Thế giới. Từ lần tổ chức đầu tiên tại thành phố Stockholm của Thụy Ðiển, đến nay, Ngày Môi trường Thế giới đã phủ khắp toàn cầu. Từ năm 1982, Việt Nam đã tham gia hoạt động giàu ý nghĩa này.
Chưa bao giờ tầm quan trọng của môi trường nổi bật như ngày hôm nay, ở khắp nơi trên thế giới. Văn minh vật chất, phát triển công nghệ, các trào lưu nhân văn giải phóng con người… không sao xóa nhòa được mối lo rất hiện thực từ môi trường sống, ở thế “nước đã đến chân” từ lâu. Các vấn đề tưởng đâu mơ hồ, trừu tượng với dân ít học ở nơi hẻo lánh như “biến đổi khí hậu”, “ô nhiễm không khí”, “rác thải nhựa”… đã chạm được với mọi người; nhiều hiện tượng bất lợi xuất hiện do môi trường tự nhiên bị tổn thương như rừng, nước, không khí… đã diễn ra, tác động đến số đông: hạn mặn, triều cường, sương mù, các bệnh lý mới…
Sống ở một vùng thôn quê tại Kiên Giang, anh Phạm Vũ, một nông dân trung niên cho biết: “Khỏi phải nói, bà con nông dân trong chòm xóm đã hiểu và có ý thức trong xử lý rác, thay vì trước đây mọi người cứ vô tư thảy xuống sông, ao, hay ngoài đường…”. Đường quê ngày nay ở thôn ấp anh Vũ sống đã có các thùng rác công cộng hợp quy cách như đô thị, đến trẻ nhỏ cũng tự giác mang rác cho vào thùng chứ không vứt đi, nhờ vậy thôn xóm xanh sạch, đẹp.
Ở TPHCM, học sinh sinh viên, người đi thể dục sáng đã có thói quen tốt như các nước phát triển: không vứt rác ra đường. Hệ thống thùng rác công cộng rất nhiều ở thành phố đã được khai thác phục vụ với hiệu quả cao hơn, môi trường thành phố có thay đối tốt hơn, đã giúp chuyển biến hành vi của số đông. Nhìn vào thực tế, bà Phạm Thu Nguyệt cùng nhóm thể dục ở một công viên thuộc quận 1, nhận xét: “Tụi tui để ý thấy chuyện vứt rác ngày càng giảm đáng kể, thói quen văn minh giữ gìn vệ sinh chung cũng tốt hơn. Mừng!”.
Một tín hiệu khác cũng đáng mừng, khi gần đây nhiều hộ dân Sài Gòn lúc bắt được hay phát hiện động vật quý hiếm như cu li, trăn, chim… đã hợp tác với cơ quan chức năng để chăm sóc, trả chúng về tự nhiên.
Mỗi năm, Ngày Môi trường thế giới tổ chức theo chủ đề mới, khi thì nhấn mạnh xử lý rác thải nhựa, lúc đề cao trồng cây xanh, bảo vệ nguồn nước, động vật hoang dã… Chủ đề của năm nay là “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động, nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.
Nhiều cơ quan, trường học, công ty, xí nghiệp, bệnh viện đã hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới. Mỗi nơi, tùy hoàn cảnh cụ thể, thực hiện chương trình theo cách riêng.
Chất lượng sống ngày nay gắn chặt hữu cơ với chất lượng môi trường. Ai từng có dịp đi Singapore, hẳn có chung nhận xét, rằng ở quốc gia này, chất lượng môi trường là kinh tế, đòn bẩy thu hút phát triển du lịch, thiết thực đến sinh kế của mọi người dân đảo quốc. Thực vậy, đường sạch, không khí sạch, từng khóm cây, vệ cỏ, mặt nước ở Singapore chứng minh tầm quan trọng của môi trường như thế nào và gắn chặt với chất lượng sống ra sao.
Con người, xã hội văn minh ngày nay có nhiều tiêu chí, không chỉ ở sở hữu tài sản, trình độ công nghệ, ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp…, mà còn ở thái độ với môi trường. Sự trân trọng bảo vệ và chăm chút cho thiên nhiên, vạn vật, không gian sống… của từng cá nhân, tổ chức được đề cao trong thời đại này, vì không chỉ cho bản thân hay gia đình, đất nước mà đóng góp vào cuộc bảo vệ môi trường chung của thế giới.
NGUYỄN THÀNH CÔNG
Bình luận